Có nên lập riêng 2 cuốn nhật ký an toàn và nhật ký thi công không?

Tại nhiều công trường thi công hiện nay vẫn lập riêng 2 cuốn: nhật ký an toàn và nhật ký thi công. Có thể là do trước nay vẫn quen làm vậy, cũng có thể đem lại sự riêng rẽ về 2 nội dung. Nhưng việc lập riêng 2 cuốn Nhật ký an toàn và Nhật ký thi công cũng đem lại không ít phiền toái: thông tin không thống nhất từ một nguồn, nhiều khi ghi lệch nhau…

Ý kiến của Chuyên gia Đào Duy Hải, giảng viên lớp Quản lý chất lượng công trình GXD, lớp Kỹ sư QS GXD, cũng đang trực tiếp tham gia vào nhiều công trình:

Theo em thì không nên để cuốn nhật ký an toàn và nhật ký thi công tách riêng. Mà nên sử dụng luôn cuốn nhật ký thi công và ghi các nội dung về an toàn lao động vào đó. Lý do:

Thứ nhất, là không có quy định nào phải tách riêng 2 cuốn Nhật ký thi công và Nhật ký an toàn.

Thứ hai, trong nhật ký thi công cũng có mục an toàn, nếu thấy chưa đủ thì viết thêm rõ hơn về nội dung an toàn thi công cũng được. Ghi đi ghi lại ở 2 quyển thêm thủ tục phiền hà.

Thứ ba, là trong Thông tư số 26/2016/TT-BXD cho phép Chủ đầu tư và Nhà thầu thỏa thuận về hình thức nhật ký thi công. Vậy sao không thỏa thuận luôn là: nội dung nhật ký thi công thể hiện luôn các nội dung về an toàn lao động diễn ra hàng ngày trên công trường. Vậy cho gọn gàng, dễ thao tác, bớt sổ sách.

Thứ tư, nữa là nếu tách 2 cuốn nhật ký, thì phần nhân công, máy móc, thiết bị, thời tiết lại phải ghi giống hệt nhau. Nhà thầu, Tư vấn giám sát, Chủ đầu tư lúc này không khác gì mua dây buộc mình, thêm việc mà không hiệu quả hơn, bôi mỡ vào mình cho kiến nó đốt. Trong khi mình lại có quyền thỏa thuận với nhau.

Một vài ý kiến chia sẻ thêm một góc nhìn để anh/em làm dự án xây dựng tham khảo, mong đóng góp một giải pháp rút ngắn được các thủ tục rườm rà cho mọi người. Nếu có ý kiến gì đóng góp thêm xin gửi về địa chỉ theanh@gxd.vn. Xin chân thành cảm ơn.