Chỉ giúp em làm thầu gói tư vấn giám sát mà không vi phạm luật đấu thầu
Vấn đề (problem): Em chào thầy! thời gian vừa qua em rất mong có lớp về nghiệp vụ TVGS. Nhưng chưa đến đợt có lớp vì vậy em vẫn chờ. Em đã học qua hai khóa bên trung tâm GXD rồi: đọc bản vẽ và đo bóc khối lập dự toán, Công ty em cũng đã gửi 3 đồng chí xuống thi chứng chỉ qua trung tâm GXD, phải nói là rất hài lòng. Nay em có một băn khoăn về năng lực hoạt động xây dựng em xin được trợ giúp ạ:
-
Công ty em thành lập năm 2017 nhưng lúc đầu em kinh doanh mảng khác.
-
Đến năm 2019 em mới làm chứng chỉ năng lực giám sát.
-
Do đó, Công ty em không thể làm những gói thầu Giám sát trên 500 triệu do phải đấu thầu, mà đấu thầu thì đòi hỏi hợp đồng tương tự, và chứng minh năm lực kinh nghiệm 3 năm.
-
Xin chỉ giúp em biện pháp làm thầu mà không vi phạm luật đấu thầu ạ?
-
Có người tư vấn cho em làm hợp đồng tương tự ký qua doanh nghiệp tư nhân xây trụ sở văn phòng… tư vấn là liên doanh. Mà em không hiểu bản chất liên doanh thì em có thể chỉ mang danh nghĩa thầu phụ, nhưng em có được kế thừa năng lực không ạ? Không biết bên GXD của thầy có thể làm giúp em tháo gỡ vướng mắc hồ sơ năng lực này không? Thầy giúp cho em bài toán vẹn toàn ạ!
Hiện tại Công ty em đang có năng lực Giám sát công trình cấp 2 rồi ạ. Mà suy luận lô gic thì tại sao mời thầu vẫn yêu cầu em chứng minh đã làm 2 công trình cấp 2? Em cảm ơn nhiều.
Giải pháp (solution):
Ở đây ta nói trên quan điểm là làm theo đúng luật và quy luật tự nhiên nhé, không bàn chuyện lách luật, “uốn éo” hay lừa đảo hay “dựng” hồ sơ giả mạo năng lực.
Trước tiên em phải hiểu lý thuyết đã: Liên danh khác với liên doanh nhé. Không chịu học lý thuyết, hiểu nó là gì? nói còn sai, làm việc đúng thế nào được!?
1. Em ký hợp đồng liên danh để đấu thầu và xây tiếp năng lực
2. Em ký HĐ với DN tư nhân. Cái này thì dựa vào mức độ trung thực và tự giác với nghề nghiệp thôi, chứ chưa thấy cơ quan có thẩm quyền đủ người đi kiểm tra được hết.
Liên danh đấu thầu:
-
Khi liên danh thì em tìm Cty có hồ sơ gộp với bên em thì 2 bên đáp ứng yêu cầu năng lực trong HSMT. 2 bên chưa được thì 3 bên…
-
Thế rồi làm hồ sơ thầu bình thường, khi trình bày năng lực thì trình bày năng lực gộp 2 bên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu.
-
Thỏa thuận phân chia tỷ lệ % công việc thực hiện mỗi bên, đề xuất, nộp thầu, thương thảo, ký hợp đồng
-
Sau đó thực hiện công việc và tích lũy năng lực. Làm tiếp hồ sơ nâng hạng – chứng chỉ hoạt động hạng 1.
Hỏi tiếp: 2 công ty năng lực hạng 2. Bên kia hạng 3, nhưng em chỉ có hợp đồng tương tự là ký với doanh nghiệp. Còn bên công ty hạng 3 là có hợp đồng ký với Ban QLDA rồi ạ. Số năm thành lập em cũng kém hơn họ. Vậy ai là đứng đầu liên doanh ạ? Đứng đầu liên danh có phụ thuộc yếu tố nào khác không ạ? Mà mức % có tối đa, tối thiểu hay thanh toán tiền có thể chuyển hết qua bên công ty em ạ?
Trả lời:
Cái này mình không nhớ chính xác có quy định không, để nghiên cứu thêm. nhưng mình cho rằng: ai đứng đầu liên danh do thỏa thuận 2 bên, có khả năng đứng đầu liên danh là do khả năng tổ chức, quản lý con người chứ không quyết bởi tỷ lệ % là bao nhiêu. Có quy định mức phân chia tối đa bao nhiêu giữa các bên chúng ta cùng xem lại quy định, làm nhiều quá hỏi đột ngột chẳng nhớ hết. Nhưng cũng không thể có bao nhiêu thanh toán hết về công ty em được. Nhà nước ràng buộc chỗ này qua hóa đơn và thuế. Chứ nếu chỉ mượn cái tên và hồ sơ đưa vào để lọt qua khâu đấu thầu, rồi sau đó bên em làm hết, tiền bao nhiêu thanh toán về hết Cty em thì có mà loạn, người soạn luật cũng không đến nỗi ngốc mà để lỗ hổng to thế).
Mình không nhớ chính xác, em đọc lại trong Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về đấu thầu hoặc Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng. Còn mình chia sẻ lên group Nghề xây dựng để anh/em đồng nghiệp có kinh nghiệm cùng thảo luận thêm và chia sẻ thêm giúp. Đây là đề tài hay cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và anh/em mới StartUp. Cũng để mấy Kỹ sư Tư vấn giám sát trẻ nắm mà đối chiếu năng lực. Nhờ anh/chị em giúp thêm. Xin cảm ơn đã đọc bài và chia sẻ.
1yz9q7