Thông tư quản lý chất lượng công trình xây dựng số 26/2016/TT-BXD

(Xây dựng) – Từ ngày 15/12/2016, Thông tư 26/2016/TT-BXD về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng có hiệu lực thi hành. Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, Thông tư số 26 có hiệu lực góp phần không nhỏ trong việc hạn chế, giảm thiểu lãng phí, đang diễn ra phổ biến ở các công trình xây dựng hiện nay. Đồng thời, Thông tư cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn tình trạng nhiều công trình không tiến hành bảo trì hoặc bảo trì không đúng định kỳ…


Công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng được quy định chi tiết tại Thông tư 26/2016/TT-BXD

Trách nhiệm rõ ràng các bên

Ngày 26/10/2016, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã ký ban hành Thông tư 26/2016/TT-BXD về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng áp dụng với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư này cũng quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư; phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa chủ đầu tư với tổng thầu EPC; phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trong trường hợp áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư; nghiệm thu thiết kế công trình; chế độ và trách nhiệm giám sát thi công công trình; nội dung giám sát thi công xây dựng; nghiệm thu công việc xây dựng; nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng; nhật ký thi công công trình xây dựng…

Thông tư số 26/2016/TT-BXD phân định rõ về trách nhiệm Chủ đầu tư - Nhà thầu trong QLCL công trình

Thông tư số 26/2016/TT-BXD phân định rõ về trách nhiệm Chủ đầu tư – Nhà thầu trong QLCL công trình

Thông tư cũng quy định, chủ đầu tư, tổng thầu EPC tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện giám sát một, một số hoặc toàn bộ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Trong trường hợp chủ đầu tư, tổng thầu EPC tự thực hiện đồng thời việc giám sát và thi công xây dựng công trình thì chủ đầu tư, tổng thầu EPC phải thành lập bộ phận giám sát thi công xây dựng độc lập với bộ phận trực tiếp thi công xây dựng công trình.

Việc giám sát thi công xây dựng có thể do một cá nhân có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng thực hiện đối với các công trình có quy mô công trình xây dựng cấp IV; công trình thuộc dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc công trình thuộc dự án có sự tham gia của cộng đồng có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng; công trình thuộc dự án có tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân cấp xã làm chủ đầu tư…

Khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoặc toàn bộ công trình xây dựng đưa vào sử dụng thì tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát thi công xây dựng phải lập báo cáo về công tác giám sát thi công xây dựng công trình và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan đối với những nội dung trong báo cáo.

Cũng theo quy định của Thông tư này, nhật ký thi công xây dựng công trình do nhà thầu thi công xây dựng lập cho từng gói thầu xây dựng hoặc toàn bộ công trình xây dựng. Trường hợp có nhà thầu phụ tham gia thi công xây dựng thì tổng thầu hoặc nhà thầu chính thỏa thuận với nhà thầu phụ về trách nhiệm lập nhật ký thi công xây dựng đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình.

Quản lý tốt hơn

Thông tư 26/2016/TT-BXD còn quy định rõ trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng đối với công trình có một chủ sở hữu nhà nước thì tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quản lý, khai thác công trình có trách nhiệm bảo trì công trình.

Cụ thể, đối với công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ đầu tư công trình có trách nhiệm bảo trì công trình cho đến khi bàn giao cho nhà nước quản lý. Công trình đầu tư theo hình thức BOT, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm bảo trì công trình trong thời gian khai thác kinh doanh quy định trong hợp đồng dự án. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình khi giao cho tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng công trình phải thỏa thuận với tổ chức, cá nhân này về trách nhiệm bảo trì công trình….

Trường hợp công trình đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức bảo trì công trình. Đối với công trình chưa xác định chủ sở hữu thì người đang khai thác, sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình. Ngoài ra, Thông tư 26/2016/TT-BXD cũng quy định rõ việc để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm, từ đó lỗi ở đâu, khâu nào được xác định một cách rõ ràng, chính xác.

Các chuyên gia, người có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng đánh giá, với sự phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các bên (giám sát, chủ đầu tư, tổng thầu…) sẽ góp phần giúp cho công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng hiện nay ngày một hoàn thiện, tốt hơn.

Huy Thảo, Baoxaydung.com.vn

Cập nhật

Phần mềm Quản lý chất lượng GXD, giáo trình, tài liệu thuộc chương trình đào tạo của GXD JSC cũng được nghiên cứu cập nhật theo những quy định mới nhất của Thông tư số 06/2016/TT-BXD.

Tải file Thông tư số 26/2016/TT-BXD

Mời bạn tải Thông tư số 26/2016/TT-BXD trên MediaFire hoặc trên diễn đàn (kích vào đây).